Tìm đặc trưng nước mắm truyền thống 3 miền

Với hương vị dân dã, chế kết hợp cùng nhiều món ăn đa dạng, nước mắm truyền thống đã đi vào ẩm thực Việt Nam như một đặc trưng không thể thiếu của mỗi bữa cơm, từ đạm bạc đến cao sang, linh đình. Ngoài nước mắm cá cơm quen thuộc khắp cả nước, tùy vào đặc trưng của địa thế, khí hậu, phong tục mà mỗi vùng miền trên cả cả nước lại sở hữu những đặc trưng nước mắm truyền thống riêng biệt.

Miền Bắc – Đậm đà mắm tôm, mắm cáy

mam-cay-dac-san-mien-bac
Mắm cáy – gia vị đặc biệt trong ẩm thực miền Bắc

Mắm tôm đứng đầu danh sách những loại mắm cốt đặc sắc nhất cả nước. Loại nước chấm này được làm từ nguyên liệu chính là tôm, tép và muối ăn, qua quá trình lên men tạo màu tím thẫm và mùi hương nồng nàn không bị trộn lẫn với bất cứ loại mắm nào khác. Mắm tôm là một phần không thể thiếu của ẩm thực miền Bắc, nhất là Hà Nội. Khó có thể hình dung gánh bún đậu, bún thang, bún riêu Hà Nội nếu thiếu đi dư vị của một thìa mắm tôm nhỏ sẽ trở nên lạt miệng đến thế nào. Chính bởi hương vị thơm ngon ấy mà mắm tôm luôn được ưa chuộng dù có mùi hương rất kén người thưởng thức.

Ngoài mắm tôm, ẩm thực miền Bắc còn gắn với hương vị độc đáo của mắm cáy. Mắm cáy thường không được dùng để chế biến thành nhiều món ăn cầu kỳ như mắm tôm mà thường được pha chế đơn giản với chanh, ớt để chấm các món luộc, trong đó phải kể đến món rau muống luộc cùng sấu tươi – đặc trưng của bữa cơm dân dã những ngày hè Hà Nội.

Đa dạng các loại nước mắm truyền thống miền Trung

mam-ruoc-hue-cho-am-thuc-co-do-them-dam-da-tron-vi
Mắm ruốc Huế cho ẩm thực Cố đô thêm đậm đà, tròn vị

Nếu ai đã từng ghé qua một khu chợ miền Trung, chắc hẳn sẽ vô cùng ấn tượng với những gian hàng chuyên bán mắm truyền thống: tới cả chục loại mắm khác nhau về màu sắc, kết cấu, mùi vị cùng được bày bán trên chiếc bàn nhỏ nhắn. Nói tới món cuốn miền Trung chắc chắn không thể bỏ qua mắm nêm, mắm ruốc, mắm mực.

Mắm nêm cũng được sản xuất từ cá cơm. Sau quá trình ủ chượp, cá được trộn một số phụ liệu như thính, thơm, đường… để tạo hương vị đặc trưng. Mắm ruốc được làm từ ruốc – một loại tôm nhỏ có vị tanh vừa phải, thơm nhẹ, không quá mặn, màu đỏ hồng. Mắm mực thường làm bằng mực nhỏ ngâm với muối, có mùi rất thơm và màu tím đặc trưng của túi mực. Mắm miền Trung tuy đa dạng về nguyên liệu, cách làm nhưng đều mang đặc điểm chung ở hương vị đậm đà, ngọt nhẹ, thơm nồng.

Khám phá mắm ba khía đặc trưng sông nước miền Nam

mam-dac-trung-mien-nam
Ẩm thực miền Tây Nam Bộ không thể thiếu hương vị mắm ba khía

Miền Tây Nam Bộ nổi tiếng với hệ thống kênh rạch dày đặc, là điều kiện thuận lợi cho loài ba khía sinh trưởng. Bởi vậy, mắm ba khía từ lâu đã đi vào văn hóa miền Tây như dấu ấn đặc trưng của ẩm thực miền sông nước.Ba khía là một loài thuộc họ cua, sống ở khu vực trải dài từ Cần Thơ đến rừng U Minh (Cà Mau), do có ba gạch ở trên lưng nên được đặt tên ba khía. Loại mắm này có hương vị thơm ngọt đặc trưng của loài cua nước lợ, có thể ăn trực tiếp hoặc pha chế.

Bên cạnh mắm ba khía, miền Nam còn nổi tiếng với một loại mắm cốt truyền thống mang tên pohook, hay mắm bò hóc – dấu ấn của nền văn hóa Khmer còn lưu lại. Cá dùng làm mắm bò hóc thường là cá linh hay cá lóc. Mắm bò hóc khá nặng mùi, song hương vị rất đậm đà, độc đáo và là gia vị không thể thiếu của món bún num bò chóc, bún nước lèo, bún mắm…

Bài viết khác

0243.9713040